Paris, ngày 17-4-1984
Gửi anh Thanh, người bạn già thân thiết bấy nay.
Hơn 30 năm xa quê lập nghiệp bên Tây
hôm nay tôi viết thư này cho anh với nhiều suy gẫm
Số là tôi cùng một vài bạn Pháp qua Sénégal săn bắn
chúng tôi căng lều nghỉ giữa rừng hoang
cạnh lều tôi là một dòng suối con rón rén chảy dưới trăng
đêm hung bạo giấu mình trong yên lặng.
Câu 1:
Vừa mới ngả lưng tôi tưởng mình đã đi vào mộng
vì có tiếng đờn tranh văng vẳng.
Tiếng đờn đã làm sống lại trong tôi bao bóng hình yêu mến
mà bấy lâu nay tôi hằng quên bẵng trong lòng...
Thế rôi vầng trăng hoang dã
bỗng đài trang theo mười sáu dây đồng.
Mầy cụm chà là ưu tư huyền hoặc
cũng mơ màng nhẹ phất hương cau.
Nằm trong túp lều săn mà tôi tưởng mình
đã thả thuyền trên sông Tiền sông Hậu.
Bao nhiêu năm xuôi ngược bềnh bồng
đêm nay kẻ tha hương bỗng thấm thía
tận cõi lòng câu lênh đênh đất khách.
Câu 2:
Lất phất sương bay đêm dài tôi trằn trọc
bỗng tiếng đờn tranh réo rắt
len theo kẽ lá tàn cây làm ray rứt kẻ yêu đời.
Tôi nhớ lại ngày xưa
khi chưa lưu lạc nơi xứ lạ quê người.
Bây giờ có sự nghiệp trong tay
tôi đang ở đây để dự trò tiêu khiển
bỗng tiếng đờn tỉ tê ai oán
như nhắc tôi tìm lại cội nguồn
phải chăng có người Việt
đang an phận thủ thường trong rừng rậm châu Phi.
Nói:
Thế rồi tôi cùng một thổ dân lần đường tới đó
nơi có tiếng đờn tranh mời mọc dịu dàng.
Tiếp chúng tôi là một ông lão da đen
mái tóc xoắn bạc phơ như sóng biển
khi nghe có người Việt Nam tới kiếm
ông cầm tay tôi rồi lẩm bẩm: Việt Nam, Việt Nam
bên ngọn đèn mờ ông để nước mắt chảy tự nhiên
giọt mừng rỡ, giọt buồn như nhắc tôi
một kỷ niệm mơ hồ nhưng có thật.
Câu 4:
Ông nói: tôi biết rành tiếng Việt
vì mảnh đất thân yêu kia đã tặng cho tôi
một kỷ niệm suốt đời không phai lợt.
Đến nôi có những buổi trưa
nhìn trời Sénégal mù cơn bão cát mà tôi nhớ
sông nước Thủ Thiêm bàng bạc sương chiều.
Xin tha lỗi cuộc gặp gỡ hôm nay tôi nói hơi nhiều.
Tôi ở đây ngót 20 năm làm bạn
với tiếng đờn tranh và khu rừng quạnh quẽ.
Tiếng đờn khi xưa giúp tôi hiểu được
thân phận của người dân thuộc địa
và nỗi buồn của lính viễn chinh
bây giờ tiếng đờn nhắc tôi quí trọng một dân tộc tuyệt vời
đã cưu mang tôi những mười sáu năm trời.
Câu 5:
Năm 1948 tôi bỏ súng trốn lính
ở Thủ Thiêm ngót sáu năm đằng đẵng
Mấy năm đâu tôi học nghề gói bánh của bà mẹ Việt Nam
đêm đêm bơi xuồng đưa mẹ bán bánh dọc Thủ Thiêm
rồi qua bờ sông Khánh Hội.
Mỗi lần nghe tiếng còi tàu vang dội
là tôi tưởng Tổ quốc mình lên tiếng gọi
người lính viễn chinh mau tìm lại cội nguồn
hễ có chuyến tàu đi là tôi tan nát cả tâm hồn
Dẫu biết quê hương mình còn nghèo đói
bệnh tật triền miên, nhưng có niềm xúc động
rất thiêng liêng khi tôi nhìn những vệt khói
mỏi dần vẫn quấn quít theo sau con tàu ra biển.
Trời Sài Gòn đêm nay nhởn nhơ bầy én liệng
mà tôi tưởng hồn châu Phi đang lởn vởn trên đầu.
Câu 6:
Mấy năm sau tôi định hồi hương, mẹ nói:
Còn giặc ở Bắc Phi mày hãy cố nhẫn nhục nữa đi
để khỏi phí những năm dài trốn lính.
Có buồn thì học đờn của ông Sáu già lối xóm
để biết Thủ Thiêm có nghĩa có tình
Họ đùm bọc và thương yêu cả người không cùng chủng tộc.
Thế là tôi rành ba Nam, sáu Bắc
rành luôn bài vọng cổ Việt Nam.
Bảy năm sau mẹ già khuất bóng
tôi mua cây đờn tranh làm kỷ niệm
rồi trình diện hồi hương.
Sống giữa rừng trong những đêm thanh vắng
tôi mượn tiếng đờn tranh để
nhớ mẹ Thủ Thiêm có ơn nặng biển trời.
Anh Thanh! Chuyện còn nhiều tình tiết
nhưng thư viết có hơi dài
chắc anh thừa biết tôi đã nghĩ gì
khi nghe người ngoại quốc ân cần nhắc tới Việt Nam.